Phụ huynh cần biết
Phụ huynh cần biết
Còn hai tháng nữa là kỳ thi bắt đầu, Bộ GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT phải chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên đảm nhiệm môn thi tốt nghiệp phải sớm triển khai kế hoạch, nội dung ôn tập, biên tập hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp để hướng dẫn, gợi ý trả lời cho học sinh.
Cùng với việc ôn tập bám sát trình tự của chương trình - sách giáo khoa, các nhà trường, thầy cô giáo cần chú ý tổ chức ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề. Nội dung kiến thức mỗi chủ đề có thể là kiến thức, kỹ năng của các chương, các bài khác nhau, có thể là tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12...
Giao lưu trực tuyến về “Ôn thi hiệu quả” Làm thế nào để hệ thống được kiến thức các môn thi? Phải học ra sao để không bị nhầm lẫn các nội dung bài học? Cách làm bài đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT... Buổi giao lưu trực tuyến với các giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm ở TP.HCM sẽ giải đáp tất cả những vấn đề trên. Buổi giao lưu do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức lúc 14g30 thứ năm 4-4. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi ngay từ bây giờ tại tuoitre.vn. H.HG. |
Bên cạnh việc giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, kỹ năng, các thầy cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn học sinh biết cách phân tích đề thi, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi, cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi tương ứng với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Đặc biệt, hướng dẫn các em học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm để tránh bị trừ điểm do những lỗi kỹ thuật.
* Bộ GD-ĐT có lưu ý gì riêng trong việc ôn tập đối với học sinh có học lực yếu? Ở nhiều trường thời điểm này đã thành lập những “lớp đặc biệt” để hỗ trợ học sinh yếu. Nhưng đâu đó vẫn có tình trạng một số trường muốn đẩy học sinh yếu đi nơi khác để duy trì, nâng tỉ lệ tốt nghiệp, ông có ý kiến gì về việc này?
- Bộ GD-ĐT không cho phép các cơ sở giáo dục gây sức ép đối với những học sinh yếu để buộc chuyển trường vào thời điểm này, trừ khi việc chuyển trường là nguyện vọng chính đáng của người học. Việc phụ đạo học sinh yếu là một trong những nhiệm vụ được thực hiện trong cả năm học và yêu cầu các nhà trường đặc biệt lưu tâm trong thời điểm học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Việc các trường thành lập nhóm, lớp riêng để phụ đạo học sinh yếu là giải pháp tốt, vì với các em học lực yếu, hổng kiến thức cần áp dụng phương pháp ôn tập khác. Các trường cần phải bố trí những giáo viên trình độ tốt nhất, có kinh nghiệm kèm cặp học sinh yếu để đảm nhiệm việc hướng dẫn ôn tập cho học sinh yếu trong thời điểm này.
Ngoài việc tổ chức ôn tập chung sáu môn thi, các trường có thể linh hoạt hướng dẫn học sinh tăng, giảm thời lượng ôn tập ở mỗi môn thi, tùy việc học sinh còn hổng kiến thức, yếu ở môn học nào. Trong giai đoạn nước rút, có thể có những học sinh chỉ tập trung ôn tập vài môn học còn yếu, giảm thời lượng với các môn đã nắm chắc chắn.
* Năm nay Bộ GD-ĐT có giới hạn kiến thức trọng tâm sẽ thi không? Các em học sinh nên dựa vào tài liệu ôn tập nào?
- Bộ GD-ĐT không giới hạn nội dung ôn tập. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì vậy, các nhà trường cần hướng dẫn học sinh ôn tập bám sát chương trình. Tài liệu ôn tập tốt nhất, đầy đủ nhất chính là sách giáo khoa. Các thầy cô giáo hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi của từng bài, từng chương để nắm kiến thức cơ bản, đồng thời hướng dẫn các em cách xâu chuỗi, tổng hợp kiến thức, cách vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi. Vì đề thi có 50% điểm số dành cho những câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Các thầy cô giáo cũng chú ý chỉ dẫn học sinh lược bỏ những phần kiến thức đã được Bộ GD-ĐT giảm tải không đưa vào đề thi.
* Hiện nay có nhiều loại sách hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT trên thị trường và được các nhà xuất bản tiếp thị đến tận các trường học để vận động học sinh mua. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc học sinh phải mua và sử dụng tài liệu tham khảo nào. Vì vậy, cũng nghiêm cấm các nhà trường ép buộc học sinh mua tài liệu ôn tập dưới mọi hình thức. Các thầy cô giáo phải tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh không mua và sử dụng quá nhiều tài liệu ôn tập, cũng không nên chạy theo các nội dung ôn tập nâng cao, vượt quá xa nội dung chương trình - sách giáo khoa khiến các em học sinh bị mệt mỏi, quá tải và ôn tập không tập trung vào phần kiến thức sẽ thi.
* Nhiều trường học vào thời điểm này đã bắt đầu cho học sinh tăng tốc ôn thi, giảm thời lượng các môn phụ, tăng thời lượng các môn chính. Việc này có đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT không? Theo ông, tổ chức thi thử nhiều lần có là giải pháp tốt giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tới?
- Không nên chờ đến lúc gần thi tốt nghiệp THPT mới “tăng tốc” ôn thi, học ngày học đêm, mà việc ôn tập phải tổ chức ngay trong quá trình dạy học. Các sở GD-ĐT cần chỉ đạo, kiểm tra các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch, phù hợp với hướng dẫn khung kế hoạch thời gian năm học 2011-2012 và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của bộ, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Việc giảm thời lượng một số môn học được cho là “môn phụ” là trái với chủ trương của bộ.
Về việc “thi thử” cũng có thể giúp nhà trường và giáo viên biết mức độ kiến thức, kỹ năng học sinh đã đạt được sau một thời gian ôn tập, đồng thời giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử. Tuy nhiên, nếu có chỉ nên tổ chức một lần, tránh gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian và sức lực của giáo viên, học sinh.
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
* Ngoài việc nắm vững kiến thức, theo ông, học sinh cần chuẩn bị những kỹ năng gì cho kỳ thi sắp tới?
- Một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua đối với mỗi học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là các em cần nắm được quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ suất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi. Các em học sinh cần ôn tập kỹ, không dựa vào sự may rủi và tuyệt đối không được gian lận, tiêu cực trong thi, kiểm tra. Ôn tập kỹ sẽ giúp các em có tâm thế vững vàng, chủ động khi bước vào kỳ thi.